Nguồn: Cơ quan Y Tế Quốc Gia NHS, Anh Quốc.
Phẫu thuật mổ trĩ thường gồm những thao tác gì?
Phẫu thuật mổ trĩ thường diễn ra khi bệnh nhân đã được gây mê toàn cục. Trong quá trình mổ, cơ hậu môn được thư giãn và búi trĩ được cắt bỏ.
Lợi ích của phẫu thuật mổ trĩ
Phẫu thuật mổ trĩ giúp loại bỏ cơn đau, hiện tượng chảy máu, nóng rát, tiết dịch, và ngứa do búi trĩ gây ra.
Phẫu thuật mổ trĩ có những nguy cơ biến chứng gì?
Nguy cơ tái phát trĩ sau phẫu thuật rất thấp. Nguy cơ trĩ sẽ tăng cao nếu bệnh nhân gặp phải táo bón và có thói quen rặn mạnh khi đại tiện.
Biến chứng sau phẫu thuật mỗ trĩ ít có nguy cơ xảy ra, tuy nhiên người bệnh cũng cần biết trước các nguy cơ này:
- Đau: Bệnh nhân sau khi mổ trĩ thường sẽ có cảm giác đau trong 4-5 ngày cho tới 2 tuần sau mổ. Cơn đau này có thể phát triển thành đau mãn tính. Khoảng 5% bệnh nhân phục hồi chậm và có thể hình thành vết nứt hậu môn (fissure). Vết nứt hậu môn này có thể gây đau cho người bệnh trong nhiều tháng.
- Chứng hẹp hậu môn (stenosis): Hiện tượng kênh hậu môn hẹp lại do sự hình thành mô sẹo. Biến chứng này hiếm khi xảy ra. Nhưng nếu biến chứng này xảy ra, thì có thể can thiệp bằng gây mê y học.
- Chảy máu: Bệnh nhân có thể tiếp tục chảy máu sau phẫu thuật nếu vùng hậu môn phục hồi vết thương chậm. Biến chứng này ít khi xảy ra, nhưng người bệnh cần biết rằng nó có khả năng xảy ra.
- Tổn thương cơ vòng hậu môn: Cơ vòng hậu môn có thể bị tổn thương, dẫn đến những biến chứng như đau hoặc khó tự chủ bài tiết.
Bệnh nhân còn lựa chọn nào khác bên cạnh phẫu thuật?
Bệnh nhân trĩ nên cân nhắc các lựa chọn điều trị không xâm lấn trước khi cân nhắc phẫu thuật mổ trĩ. Các lựa chọn này bao gồm thay đổi chế độ ăn, tránh gồng mạnh cơ hậu môn khi tập thể thao hoặc đại tiện, và thay đổi sinh hoạt để cải thiện chức năng ruột (VD: không rặn mạnh, không ngồi trên bồn cầu quá lâu khi đại tiện). Trĩ có thể được giải quyết bằng thao tác tiêm hoặc thắt búi trĩ bằng vòng cao su.
Trĩ không có liên quan tới các bệnh nguy hiểm hơn như là ung thư. Nếu người bệnh trĩ không có tác động can thiệp gì, bệnh sẽ trở nặng hoặc tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại. Bệnh trĩ sẽ không tự cải thiện. Nếu như bác sỹ của bạn đề xuất bạn thực hiện phẫu thuật, có khả năng là các phương án khác không phù hợp hoặc không có tác dụng.
Chuẩn bị trước phẫu thuật
Việc mổ trĩ thường sẽ chỉ mất không quá một ngày. Người bệnh có thể vào bệnh viện trong ngày phẫu thuật hoặc 1 ngày trước đó. Chuyên viên gây mê sẽ ghé thăm bạn trước khi ca mổ diễn ra. Trước khi mổ trĩ, người bệnh không nên ăn gì trong 6 tiếng và không uống gì trong 2-3 tiếng.
Sau phẫu thuật
Bệnh nhân trĩ sau phẫu thuật sẽ được theo dõi huyết áp, nhịp tim và tình trạng vết mổ trong vài tiếng sau mổ. Bệnh nhân có thể nhanh chóng uống nước sau khi phẫu thuật, và có thể bắt đầu ăn bất cứ khi nào.
Sinh hoạt ăn mặc
Sau khi phẫu thuật, người bệnh trĩ có thể sẽ được băng bó lại vùng phẫu thuật. Trong 12 giờ đầu tiên, băng gạc sẽ thấm máu từ vết mổ. Băng gạc sẽ tự động bong ra vào ngày tiếp theo. Vết thương sẽ ở trong tình trạng ẩm trong 1 tới 2 tuần. Trong giai đoạn này, vết mổ có thể chảy mủ vàng hoặc dính một chút máu tối màu. Người bệnh nên sử dụng miếng lót trong giai đoạn này để tránh đồ lót bị thấm dịch từ vết mổ.
Đau sau mổ
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau ở vùng vết mổ. Cơn đau thường được điều trị bằng thuốc giảm đau. Vết mổ thường sẽ hết đau sau khoảng 2 tuần.
Quay về nhà
Bệnh nhân mổ trĩ có thể về nhà trong ngày, tuy nhiên một số bệnh nhân sẽ cần ở lại bệnh viện qua đêm. Điều này tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, điều kiện sinh hoạt tại nhà, và cảm giác của bệnh nhân sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi trong một vài ngày đầu do tác dụng của thuốc gây mê.
Vết khâu
Chỉ khâu vết mổ trĩ sẽ tự động rụng ra sau 4 tới 5 ngày hoặc tự phân hủy. Trong quá trình chỉ rụng ra, vết mổ có thể chảy một chút máu.
Các triệu chứng khác
Quanh vết mổ trĩ có thể xuất hiện các vết bầm tím, các vết bầm này không nguy hiểm và sẽ tự biến mất. Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể khó kiểm soát cơn trung tiện trong 1 – 2 ngày đầu tiên.
Vệ sinh
Người bệnh có thể vệ sinh vùng vết mổ với xà phòng và nước sau khi băng gạc tự rời ra. Người bệnh có thể tắm thoải mái, tuy nhiên chỉ làm khô vùng vết mổ bằng cách chấm nhẹ khăn mềm, thay vì chà xát mạnh.
Táo bón
Bệnh nhân nên tránh tình trạng táo bón sau khi phẫu thuật. Việc rặn để đẩy chất thải ra ngoài có thể gây chảy máu và khó chịu. Một chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây, và rau củ, cùng với uống nhiều nước có thể giúp tránh táo bón. Nếu người bệnh đang bổ sung chất xơ, thì càng nên uống nhiều nước hơn để tránh phản tác dụng. Bác sỹ có thể kê cho người bệnh thuốc nhuận tràng để sử dụng tại nhà trong vài ngày đầu tiên.
Lần đại tiện đầu tiên có thể gây đau đớn, nhưng vấn đề này sẽ cải thiện nhanh chóng. Bệnh nhân có thể cân nhắc sử dụng thuốc nhuận tràng để làm mềm chất thải, dễ dàng bài tiết hơn.
Lái xe
Sau 4 tới 5 ngày sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể lái xe như trước.
Quan hệ tình dục
Người bệnh có thể quay lại quan hệ tình dục bất cứ khi nào cảm thấy thoải mái và sẵn sàng.
Trở lại làm việc
Người bệnh có thể quay trở lại làm việc sau 1 – 2 tuần.
Liên hệ bác sỹ hoặc cơ quan y tế ngay nếu như gặp 1 trong các vấn đề:
- Sốt cao hơn 38.5 độ C, hoặc bị ớn lạnh
- Ói mửa, buồn nôn
- Đau, sưng đỏ, tiết dịch ở hậu môn
- Chảy máu nhiều
- Khó tiểu
- Táo bón trong 3 ngày liên tiếp kể cả khi đã dùng thuốc nhuận tràng.